Xưa giờ đi học lẫn đi làm thấy nhiều bạn sinh viên cho là marketing và tài chính là 2 ngành hoàn toàn khác nhau, một bên dành cho team xã hội, một bên cho team tự nhiên. Họ cho rằng Tài chính là các quy tắc và chỉ dành cho những người giỏi về các con số. Một số người còn nhận định rằng Tài chính là một ngành nhàm chán vì không cho phép người ta có suy nghĩ sáng tạo như Marketing. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng những niềm tin này là sai lầm đau đớn. Trong thế giới ngày nay, Tài chính không những quay quanh các quy tắc và mà còn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ, thực tế đã chứng minh điều đó.
Đầu tiên,Tài chính là sự tuân thủ các quy tắc? Không. Không. Không. Điều này chưa chính xác, mà phải là “Quy tắc trong bất quy tắc”. Trong quyển “Finding Alphas: A Quantitative Approach to Building Trading Strategies“ của Igor Tulchinsky, CEO tại WorldQuant (1 quantitative hedge fund nho nhỏ với số vốn tầm 5 tỷ USD) có 1 câu nói nổi tiếng trong thống kê là: “All models are wrong but some are useful”, tạm dịch: “Tất cả mọi mô hình đều sai, nhưng một số cài thì xài được”. Không có quy tắc, không có mô hình có thể tạo ra lợi nhuận mãi mãi. Thị trường sẽ thích ứng với chiến lược của bạn. Oh no, no, no! Bạn, chính bạn là người phải thay đổi để phù hợp với thị trường. Thứ hai, Tài chính không có chỗ cho sự sáng tạo? Ồ, lại thêm một định kiến sai lầm. Tài chính là sự sáng tạo và là tư duy bên ngoài “cái hộp”. Nghe có vẻ lạ? Nhưng bạn hãy thử nghĩ xem, thời đại này có từ máy tính cá nhân tới siêu máy tính, vài năm nữa không chừng có máy tính lượng tử; nếu Tài chính chỉ đơn thuần là tính toán những con số, thì hầu hết các công việc tài chính sẽ được thay thế bằng máy tính, chả ai đi thuê người khác chỉ để làm công việc tính toán cả. Nhưng tại sao những người hành nghề tài chính vẫn được trả lương cao vài chục nghìn USD một năm như vậy? Vì đây là công việc đòi hỏi sự sáng tạo mà không có bất kỳ loại máy tính ưu việt nào có thể thay thế được.
Tài chính là nghệ thuật đồng thời là khoa học. Khi chúng ta sử dụng các quy tắc và mô hình thực nghiệm thì đó là khoa học nhưng khi chúng ta đưa ra suy nghĩ mới thì nó trở thành một hình thức nghệ thuật. Nó cũng cực kỳ thách thức và cạnh tranh. Thị trường liên tục thay đổi. Khi bạn nảy ra ý tưởng về cách hoạt động của một thị trường, hãy yên tâm rằng hàng triệu người khác cũng đã nghĩ về nó. Hoặc ít nhất, sẽ sớm có. Tương tự, tưởng tượng bạn khám phá một mỏ vàng. Ban đầu, mỏ vàng đó thuộc về riêng bạn. Nhưng sau đó, những người khác bắt đầu chú ý: “Tôi nghĩ tôi nên vào và lấy một ít vàng cho bản thân mình”. Sớm muộn gì mỏ vàng cũng cạn kiệt. Điều tương tự cũng xảy ra với mọi mô hình, mọi chiến lược trong Tài chính. Vì vậy, điều gì mang lại lợi thế trong thế giới cạnh tranh này? Chỉ có khả năng nghiên cứu và đưa ra những ý tưởng mới lạ, hy vọng độc đáo. Ý tưởng càng mới lạ và độc đáo, thì khả năng bạn càng nhận được nhiều lợi ích từ nó, trước khi mọi người khác biết và nhảy vào. Có thể có nhiều mô hình cổ điển và hiện đại từ sách giáo khoa và tài liệu nghiên cứu, nhưng tất cả phụ thuộc vào mỗi người áp dụng chúng và / hoặc kết hợp chúng một cách độc đáo và có lợi nhất. Một nhà nghiên cứu trong một quỹ định lượng sẽ phải tiếp tục nghĩ ra những cách mới để tạo ra tín hiệu mới, tín hiệu có lợi. Anh ta hoặc cô ta sẽ liên tục làm việc chăm chỉ và kết quả tốt sẽ đến. Người đó cũng cần phải làm việc thông minh và sáng tạo.
Tóm lại, nếu bạn đang nghĩ tới sự nghiệp tài chính và một ngày khi tên mình trên danh sách Forbes; thì hãy tự hỏi bản thân những câu sau:
- Bạn liệu có đủ tu vi để theo kịp những thuật toán mới nhất, phức tạp nhất?
- Bạn có sẵn lòng bế quan luyện công, đọc hàng trăm bài nghiên cứu mỗi ngày, tự mình thử nghiệm, tự mình sửa sai, để tạo ra chiến lược vô tiền khoáng hậu?
- Và sau khi dành hàng giờ liền tạo ra một mô hình vừa ý, bạn liệu có đạo tâm đủ vững, đạo cơ đủ sâu để tránh tẩu hỏa nhập ma khi mà cái mô hình mà bạn tự cmn hào kia rốt cuộc lại thua lỗ. Kết quả backtest thử nghiệm các thứ ngon lành là thế, mà sao bọn thị trường thật quá khốn nạn, lại khiến mô hình của ca chạy sai thế này???
- Và cuối cùng, gấp đôi Fristi để làm gì?
Ở những bài sau tôi sẽ trình bày một số ý tưởng giao dịch được backtest bằng công cụ Websim của WorldQuant, hi vọng các bạn sẽ hiểu được loáng thoáng trong quỹ là họ làm gì.
Tác giả: Đồng Lê Bá Thông, ACSI Young Professionals Network Việt Nam